Diện tích khai thác trắng nên bao nhiêu ha là vừa?

Chủ đề tuần này tương đối gây tranh cãi bởi không hề có chuẩn mực nào cho tiêu chí này. Phần lớn các đơn vị chủ rừng thường áp dụng mức không quá 5ha (?) và ít khi giải thích chi tiết cơ sở của lựa chọn này. Thật ra, lý do sâu xa cần đưa ra giới hạn quy mô khai thác trắng liên quan mật thiết đến các vấn đề tác động tiêu cực về môi trường. Tuy nhiên nếu mức giới hạn không cân nhắc vẫn có thể gây thiệt hại về mặt kinh tế, do quy định mức giới hạn quá bé (trong khi tác động môi trường ít có khả năng xảy ra ở một vài khu vực). Sau đây là một số kinh nghiệm chia sẻ thêm để mọi người cân nhắc khi đề xuất giới hạn khai thác trắng cho đơn vị mình:

– Trường hợp toàn bộ diện tích rừng trồng đều nằm trên cùng một dạng địa hình (tương đối giống nhau) thì có thể quy định một mức diện tích cho tất cả các lô. Tuy nhiên nên cân nhắc tính đặc thù (địa hình, loại đất, mạng lưới sông suối/hồ ao) của từng tiểu vùng mà quyết định mức khai thác trắng cho từng phân vùng hay toàn bộ.

– Các lô rừng trồng có ở vị trí bằng phẳng, hay trên đất dốc (>30 độ)? Đất càng dốc thì nguy cơ xói mòn/rửa trôi càng cao, và do vậy diện tích khai thác trắng nên càng hạn chế.

– Các lô rừng trồng có nằm sát ranh giới nguồn nước (khe, suối, hồ)? Càng tiếp giáp nguồn nước, càng hạn chế diện tích khai thác trắng do rủi ro gây tác động môi trường càng cao;

– Các lô rừng trồng có gây xói mòn, rửa trôi lớp mặt ở vùng có địa hình phức tạp hay không? Ví dụ hẻm núi, khe cạn, gần đường giao thông…

Sau khi đặt ra các tiêu chí, nên phân vùng mức khai thác trắng tối đa cho mỗi khu vực. Ví dụ: TK136, TK118 –> có thể khai thác tối đa 5ha/lô (không liền kề); TK 111, TK134 –> có thể khai thác tối đa 20ha /lô (kèm với lý giải liên quan đến tác động môi trường, kinh tế).

– Mỗi công ty/chủ rừng nên xây dựng một lớp bản đồ quản lý các vấn đề môi trường, trong đó bao gồm các khu vực thường xảy xói mòn đất, khu vực hành lang ven suối, khu vực hạn chế khai thác trắng, khu vực HCV… Đi kèm với bản đồ cần có thuyết minh, giải thích vì sao lại thiết lập như vậy, và trên căn cứ nào. Xây dựng được nhóm dữ liệu như vậy sẽ rất thuận lợi cho việc lập kế hoạch giám sát: giám sát cái gì, ở đâu, khi nào.. đồng thời, các mẫu biểu sẽ được thiết kế tương ứng với từng chủ đề (xói mòn, hành lang, HCV).

Bản quyền thuộc về Trung tâm đào tạo quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng