Theo kế hoạch của Dự án: Nâng cao năng lực và kiến thức để áp dụng các thực hành quản lý rừng cải tiến cho các công ty lâm nghiệp và chủ rừng quy mô nhỏ ở Việt Nam, Trung tâm đào tạo QLRBV và Chứng chỉ rừng, Viện KHLN Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn 7 ngày về “Kỹ thuật lâm sinh cho rừng trồng” với 15 học viên tham gia là cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý rừng phòng hộ, hợp tác xã nông lâm nghiệp và các chủ rừng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Từ ngày 01 – 7/11/2021, Trung tâm Đào tạo QLRBV và Chứng chỉ rừng thuộc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật lâm sinh cho rừng trồng”. Tham gia lớp tập huấn có 15 học viên là các cán bộ kỹ thuật Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn, đại diện hợp tác xã lâm nghiệp bền vững Keo Sơn, HTX sản xuất Nông nghiệp Phú Hưng, An Đôn, Thuỷ Đông, hội chứng chỉ rừng Quảng Trị và các chủ rừng quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Sau 7 ngày tập huấn (4 ngày học lý thuyết và 3 ngày thực hành) học viên đã được cung cấp các kiến thức rất thiết thực về các nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh rừng trồng bền vững, các biện pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng trồng theo hướng bền vững, kỹ thuật phân chia và quản lý lập địa, kỹ thuật trồng, tỉa cành, chăm sóc nuôi dưỡng rừng, kỹ thuật quản lý sâu bệnh hại, kỹ thuật chuyển hoá rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, kỹ thuật khai thác tác động thấp, giới thiệu hệ thống canh tác nông lâm kết hợp … Ngoài kiến thức lý thuyết trên lớp, các học viên còn được thăm quan các mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống và lâm sinh, mô hình rừng trồng gỗ lớn của Trung tâm và thực hành ngay trên hiện trường để nắm vững kiến thức để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Nội dung thực hành tập trung vào các biện pháp tỉa cành, tỉa thân cây Keo lai, các bước thiết kế thu thập, xử lý số liệu, bài cây và tỉa thưa chuyển hoá rừng gỗ lớn, thực hành ứng dụng kỹ thuật khai thác tác động thấp trong tỉa thưa nuôi dưỡng rừng, kỹ thuật nhận biết một số sâu bệnh hại chính rừng trồng như bệnh chết héo, bệnh phấn trắng, bệnh phấn hồng, bệnh rỗng ruột …. Trong thời gian tập huấn, giảng viên là các chuyên gia lâm nghiệp đã cùng với học viên thường xuyên thảo luận, chia sẻ những cách làm hay, những mô hình triển vọng, không chỉ tập trung vào các biện pháp kỹ thuật trồng rừng theo hướng bền vững đối với cây keo mà còn tập trung vào đối tượng cây gỗ bản địa lá rộng gỗ lớn, đa tác dụng và có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện lập địa của địa phương.
Kết thúc lớp tập huấn, các học viên đều đánh giá cao về nội dung, chương trình, công tác tổ chức và trang thiết bị phục vụ giảng dạy của Trung tâm đào tạo. Từ những kiến thức được truyền đạt về kỹ thuật lâm sinh cho rừng trồng học viên sẽ nâng cao năng lực và áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng rừng trồng đặc biệt trong kinh doanh rừng trồng gỗ lớn bền vững, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp tại Quảng Trị.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHOÁ TẬP HUẤN
TS. Vũ Đức Bình phát biểu khai mạc khoá tập huấn
Thực hành kỹ thuật chuyển hoá rừng gỗ lớn Keo lai
Thực hành lập ô tiêu chuẩn đánh giá sinh trưởng mô hình tỉa thưa nuôi dưỡng
Thăm quan mô hình rừng trồng gỗ lớn bằng cây Huỷnh 5 năm tuổi
Học viên thực hành tỉa cành cây Keo lai
Chụp ảnh lưu niệm bế mạc lớp tập huấn