Trung tâm khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn cho nông dân đạt hiệu quả cao
Thông qua dự án khuyến nông Trung ương “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn Keo lá tràm” do Viện KHLN Việt Nam chủ trì và Trung tâm KHLN Bắc Trung Bộ (Trung tâm) là đơn vị phối hợp thực hiện tại 02 tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi, xác định vai trò là cầu nối quan trọng trong nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và cán bộ khuyến nông địa phương của 02 tỉnh; trong 03 năm (2017-2019) Trung tâm đã tích cực phối hợp với các bên liên quan triển khai xây dựng thành công 160ha mô hình gỗ lớn giống tiến bộ kỹ thuật Keo lá tràm, tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật cho 460 người và 8 hội nghị đầu bờ cho 160 người góp phần thực hiện mục tiêu chung của Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, đồng thời sẽ là mô hình trình diễn về trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, sử dụng các giống mới được công nhận, làm cơ sở phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ.

Những năm trước đây người dân trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị bằng sự hỗ trợ từ nguồn vốn các dự án như PAM, 327, 661,… đều phát triển rừng trồng Keo lá tràm. Theo người dân ưu điểm của Keo lá tràm là thích nghi tốt với điều kiện khô hạn của khu vực, cây có khả năng chống chịu với gió bão tốt hơn Keo lai và Keo tai tượng, gỗ tốt có thể dùng làm gỗ xẻ,… Tuy nhiên do nguồn giống chưa qua chọn lọc và áp dụng tiến bộ kỹ thuật về lâm sinh còn hạn chế nên cây sinh trưởng rất chậm, lâu cho thu hoạch và phẩm chất cây thấp. Chính vì vậy mà diện tích rừng trồng Keo lá tràm hiện còn trên địa bàn 2 tỉnh không nhiều.
Sự phát triển của lĩnh vực chọn giống và kỹ thuật lâm sinh đã đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. Bằng sự nỗ lực của các nhà khoa học của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhiều giống Keo lá tràm như AA1; AA9 (QĐ3905/QĐ-BNN-KHCN ngày 11/12/2007); CLT 26; CLT 7; CLT 98; CLT 18 (QĐ2763/QĐ-BNN-LN ngày 1/10/2009) cho năng suất rất cao và khả năng chống chịu với sâu bệnh hại, điều kiện bất lợi của môi trường cũng cao hơn hẳn những giống cũ. Việc trồng rừng thâm canh bằng việc sử dụng phân bón, mật độ trồng, kỹ thuật tỉa cành, tỉa thân, để lại vật liệu sau khai thác,… cũng là những tiến bộ mới mà còn chưa được phổ biến rộng rãi trong sản xuất đối với người dân Quảng Ngãi và Quảng Trị.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống và lâm sinh về trồng rừng thâm canh gỗ lớn Keo lá tràm đã được Trung tâm triển khai thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú cụ thể như: Đào tạo, tập huấn; xây dựng mô hình trình diễn; hội nghị đầu bờ; chuyển giao công nghệ; khuyến khích sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tham quan mô hình trình diễn… đã góp phần không nhỏ nâng cao tư duy, nhận thức, trình độ sản xuất cho cho nông dân và cán bộ khuyến nông cơ sỡ của 2 tỉnh.
Với phương châm khoa học, kiên trì, tận tâm và trách nhiệm; Trung tâm đã chuyển giao trực tiếp kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn Keo lá tràm theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành” nên việc tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật của bà con nông dân thuận lợi hơn, nhất là 75% hộ dân tham gia dự án là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt khi xây dựng 160ha mô hình/160 hộ, người nông dân được tự triển khai, áp dụng ngay trên chính mảnh đất của mình; được theo dõi, so sánh và đánh giá giữa kỹ thuật truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật lâm sinh mới, từ đó học được cách làm và yếu tố then chốt để lan tỏa rộng nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn trong cộng đồng. Kết quả sau 3 năm xây dựng, qua đánh giá của ngành chức năng, các mô hình triển khai đảm bảo đúng tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân với tỷ lệ sống của rừng trồng từ 90% trở lên; năng suất rừng trồng đạt 20 m3/ha/năm, tăng 20% so với mô hình sử dụng giống và quy trình thâm canh đại trà.
Cùng với chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua xây dựng mô hình, Trung tâm đã tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật cho 460 người và 8 hội nghị đầu bờ cho 160 người trên toàn địa bàn 2 tỉnh. Công tác tập huấn, đào tạo được tăng cường và cải tiến theo hướng đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, lý thuyết đi đôi với thực hành…với nội dung tập huấn giúp người dân nắm được các biện pháp kỹ thuật xây dựng mô hình từ khâu chọn giống, xử lý thực bì, làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng,… rừng trồng Keo lá tràm theo hướng trồng rừng gỗ lớn thâm canh. Kết quả đã từng bước làm thay đổi tập quán trồng rừng truyền thống của bà con nông dân từ tái trồng rừng bằng cây con tái sinh tự nhiên sang trồng cây hom chất lượng cao, mật độ dày sang mật độ thưa, giữ lại thực bì sau khai thác nhằm tăng độ mùn cho đât. Cùng với đó, kỹ thuật tỉa cành và quy trình bón phân, vun góc, phát thực bì đúng giai đoạn đã được người dân áp dụng thành công vào thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đã đạt được, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, công tác khuyến nông vẫn còn một số hạn chế như: sự phối kết hợp giữa các đơn vị, chính quyền các xã, các ngành chức năng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Nguồn lực đầu tư cho chương trình khuyến nông còn hạn chế như chỉ mới hỗ trợ cây giống và phân bón trong khi các hộ gia đình tham gia chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập.. Trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không đồng đều đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Các giống mới được Bộ công nhận tuy nhiều nhưng mới chỉ dừng lại ở mô hình khảo nghiệm chưa được nhân giống số lượng lớn để chuyển giao, cung cấp cho sản xuất đại trà. Chưa có nhiều mô hình rừng trồng kinh doanh gỗ lớn điển hình tại các vùng làm cơ sở tham quan, tuyên truyền, học tập.

Dự án được triển khai thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong công tác phát triển rừng trồng sản xuất tại các địa phương trong đó có Quảng Ngãi và Quảng Trị, từng bước thay đổi thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của người dân trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp từ hình thức quảng canh hướng tới thâm canh rừng trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng, đáp ứng nhu cầu phát triển gỗ lớn của cả nước trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc khuyến khích người dân thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa vào thử nghiệm nhân rộng các giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác tư vấn hướng dẫn cho nông dân về trồng rừng theo hướng bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường…Đổi mới công tác tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động đào tạo chuyển giao theo hướng thực hành, xuất phát từ nhu cầu của người nông dân và định hướng phát triển của ngành, địa phương. Từ đó, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công các mục tiêu về đề án “Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp” đã đề ra.